Ngày 5/12/2017 vừa qua, tại trụ sở Hội KTS Việt Nam (40 Tăng Bạt Hổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm “Kiến trúc mặt dựng kính” do Tạp chí Kiến trúc phối hợp cùng Cty CP Đầu tư sản xuất và Thương mại Hồng Phúc và Cty Kính nổi Viglacera tổ chức, dưới sự bảo trợ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Tới dự tọa đàm có sự góp mặt của KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; PGS. TS. KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc; KTS Nguyễn Huy Khanh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC); Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó giám đốc Cty Kính nổi Viglacera; Ông Ngô Quốc Huân – Giám đốc Cty CP Đầu tư sản xuất và thương mại Hồng Phúc; KTS Sani Chang – Giám đốc điều hành Tập đoàn BFG, thiết kế mặt dựng chuyên nghiệp cùng đông đảo chuyên gia và khách mời trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng.
Tại cuộc tọa đàm, giới chuyên môn đã chia sẻ những kinh nghiệm khi thiết kế mặt dựng kính, sử dụng vật liệu kính, cùng những xu hướng mới hướng tới giải pháp bền vững.
Chia sẻ tại toạ đàm, Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó giám đốc Cty Kính nổi Viglacera cho rằng, trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề toàn cầu, việc nghiên cứu và ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường đang trở thành một xu thế tất yếu. Trong bối cảnh đó, TCty Viglacera đã tiên phong phát triển VLXD công nghệ xanh bằng việc đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng (TKNL) với công nghệ và thiết bị được nhập khẩu từ Tập đoàn Von Ardenne (CHLB Đức), công suất 2,3 triệu m2/năm.
Cũng tại tọa đàm, Giám đốc Cty CP Đầu tư sản xuất và thương mại Hồng Phúc, ông Ngô Quốc Huân cũng giới thiệu quy trình gia công sản xuất kính an toàn cho cả 3 loại kính xây dựng phổ biến hiện nay là kính cường lực, kính dán, kính hộp. Ông cũng đưa ra các tư vấn hữu ích cho các KTS trong quá trình thiết kế. Đó là các KTS cần nắm tính năng, hệ số kỹ thuật của từng loại kính để đưa vào công trình cho phù hợp. Khổ kính mà nhà sản xuất cung cấp cũng cần được cân nhắc kỹ trong thiết kế nhằm giảm tối đa lượng kính thừa không dùng đến, góp phần giảm chi phí cho chủ đầu tư. Trong việc khoan cắt kính phục vụ lắp dựng, đường kính tối thiểu của lỗ khoan bằng chiều dày của kính. Mũi khoan cách mép kính tối thiểu 2 lần chiều dày của kính…
Tham gia phần thảo luận tại tọa đàm các KTS có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế công trình, từng ứng dụng kính trong tạo dựng mặt đứng công trình, giải pháp sử dụng kính trong thiết kế mặt dựng đối với công trình tại Việt Nam…
Đề cập đến các vấn đề của mặt dựng kính trong thiết kế công trình tại Việt Nam, các đại biểu tham dự toạ đàm “Kiến trúc mặt dựng kính” đã cùng thảo luận về chủ đề sử dụng kính có là một xu thế phát triển bền vững? – Câu trả lời là không nên hạn chế phát triển kính. Trong đó, PGS.TS Phạm Đức Nguyên đã bày tỏ quan điểm, không phản đối sử dụng kính nhưng cũng cần cân nhắc dùng như thế nào cho hợp lý. Vì dùng kính liên quan đến liên quan đến môi trường trong nhà, mức độ sử dụng năng lượng, số vốn đầu tư. Theo ông, khi sử dụng kính sẽ liên quan đến 3 môi trường trong công trình, gồm môi trường ánh sáng, môi trường nhiệt vi khí hậu, môi trường âm thanh. Đối với môi trường ánh sáng thì phải quan tâm đến hệ số xuyên sáng của nó. Ở Việt Nam, thường muốn kính xuyên nhiều ánh sáng để chiếu sáng nhưng như vậy cũng sẽ xuyên một phần các bức xạ vào công trình, gây nóng. Nếu thiết kế thêm kết cấu che nắng thì không cần dùng kính quá đắt tiền, chỉ cần dùng kính có hệ số truyền nhiệt u _value thấp là được. Do vậy, tại Việt Nam, việc đưa kết cấu che nắng, phong cách kiến trúc nhiệt đới vào là vô cùng cần thiết.
Đồng tình với quan điểm của PGS Nguyên, KTS Lê Trương (Tổng Giám đốc Cty CP Kiến trúc – Xây dựng TT Associates) cho rằng, bất kỳ môi trường, điều kiện khí hậu đều sử dụng kính được miễn là cấu tạo của lớp kính, mặt dựng kính thỏa mãn điều kiện của công trình. Theo KTS Lê Trương, ở cả 3 khu vực nhiệt đới, ôn đới, hàn đới, tất cả công trình cao tầng đều sử dụng vật liệu kính. Bởi kính là vật liệu có những thuộc tính mà các vật liệu khác không có.
An Du – TCKT.VN